Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Iran sắp khởi động
Nga tuyên bố nước này sẽ thực hiện một bước đi quan trọng vào tuần tới nhằm giúp khởi động một lò phản ứng tại nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Iran.
Tập đoàn hạt nhân quốc gia của Nga, doanh nghiệp đang xây dựng nhà máy của Iran, cho hay các kỹ sư sẽ bắt đầu tiếp nhiên liệu cho lò phản ứng Bushehr vào ngày 21/8 tới. Đại diện tập đoàn Nga quả quyết: "Kể từ thời điểm này, Bushehr sẽ được coi là một cơ sở hạt nhân".
Tuy nhiên, hiện người ta vẫn chưa rõ khi nào thì lò phản ứng sẽ hoạt động toàn công suất.
Nga đã hỗ trợ Iran xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên kể từ giữa những năm 1990 bất chấp mọi căng thẳng và tranh cãi quanh chương trình hạt nhân của Tehran.
Theo nhận định của một phóng viên quốc tế ở Cairo, người Iran vẫn tỏ ra hoài nghi cho tới khi chứng kiến nhà máy Bushehr, với tổng chi phí xây dựng ước tính là 1 tỷ USD, cuối cùng đi vào hoạt động và phát ra điện, 35 năm sau khi dự án bắt đầu.
Nga dự kiến cũng sẽ giúp Iran quản lý nhà máy, cung cấp nhiên liệu mới và lấy đi nhiên liệu thải từ cơ sở này. Vì lẽ đó, các chuyên gia hạt nhân nhận định hầu như không có hiểm họa trực tiếp nào từ việc lò phản ứng có thể bị sử dụng để sản xuất vũ khí nguyên tử.
Quan hệ giữa Nga - Iran đã bớt phần thân thiện trong mấy tháng trở lại đây do Moscow ủng hộ các lệnh cấm vận cứng rắn hơn của Liên hợp quốc đối với Tehran nhằm gây áp lực buộc chính quyền Iran phải từ bỏ chương trình làm giàu uranium gây tranh cãi. Dù vậy, Nga hiện vẫn là nhà cung cấp công nghệ và vũ khí hàng đầu cho Iran.
(Theo BBC)